Ngày Lâm nghiệp Việt Nam hay Ngày truyền thống ngành lâm nghiệp Việt Nam là ngày kỷ niệm truyền thống của toàn thể cán bộ, công nhân viên chức đang hoạt động và đã từng hoạt động, gắn bó với ngành lâm nghiệp tại Việt Nam.
Thực hiện lời dạy thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 28/11/1959 về “Tết trồng cây” và công tác lâm nghiệp, cũng như để động viên toàn dân, các cơ quan, trường học, lực lượng vũ trang, người lao động lâm nghiệp, cùng toàn thể cán bộ, công nhân viên chức đã và đang hoạt động, gắn bó với ngành Lâm nghiệp tại Việt Nam; ngày 28/6/1995, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 380/QĐ-TTg về việc tổ chức “Ngày Lâm nghiệp Việt Nam” ngày 28 tháng 11 hàng năm.
Ngày 11/01/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh trồng cây Đa tại Công viên Thống Nhất (Nguồn Internet)
Theo đó, bắt đầu từ năm 1995, lấy ngày 28/11 là “Ngày Lâm nghiệp Việt Nam”. Hàng năm, việc tổ chức kỷ niệm phải thực hiện được các nội dung, yêu cầu sau:
Một là, giáo dục ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, sinh thái trong toàn dân; tình cảm yêu ngành, yêu nghề, yêu quê hương, đất nước trong cán bộ, công nhân viên và người lao động lâm nghiệp.
Hai là, động viên phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển rừng với năng suất, chất lượng cao; sử dụng tài nguyên rừng bền vững, hợp lý, tiết kiệm.
Ba là, vận động, tổ chức các ngành, các đoàn thể, các giới có những hoạt động cụ thể, những công trình, những việc có ích để báo công dâng Bác; biểu dương, khen thưởng người tốt, việc tốt, địa phương và đơn vị tốt.
Bốn là, hàng năm, việc tổ chức “Ngày Lâm nghiệp Việt Nam” phải thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với “Tết trồng cây” (Nguồn Internet)
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 02/9/1945); ngày 14/11/1945, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định về việc thành lập Bộ Canh nông, là cơ quan của Chính phủ được giao quản lý ngành Lâm chính của nước ta trong suốt thời kỳ Kháng chiến – Kiến quốc. Ngày 01/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký xác lệnh số 69 xác nhận đưa cơ quan Lâm chính trong toàn cõi Việt Nam đặt trực thuộc Bộ Canh nông. Ngay trong ngày, Bộ trưởng Bộ Canh nông đã ban hành Nghị định số 01 về tổ chức Bộ Canh nông bao gồm các ngành: Trồng trọt, chăn nuôi (thú y), lâm nghiệp, nuôi cá, khẩu khoán, tín dụng nông thôn.
Năm 1955, Hội đồng Chính phủ đã ra Nghị quyết đổi tên Bộ Canh nông thành Bộ Nông lâm. Chịu trách nhiệm quản lý thêm lĩnh vực Lâm nghiệp. Trên cơ sở Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ, ngày 17/02/1955, Bộ Nông lâm đã ban hành Nghị định số 02-NL/QT/NĐ về tổ chức các cơ quan Trung ương thuộc Bộ Nông lâm. Bộ phận trực thuộc có Vụ Lâm nghiệp (đổi tên từ Vụ Thủy lâm).
Đầu năm 1956, Chính phủ đã Quyết định thành lập Sở Quốc doanh Lâm khẩu đặt trực thuộc Bộ Nông lâm. Ngày 20/10/1958, Bộ Nông lâm đã ban hành Nghị định số 535/NĐ thành lập Cục Lâm nghiệp trực thuộc Bộ Nông lâm, trên cơ sở hợp nhất Sở Quốc doanh Lâm khẩu và Vụ Lâm nghiệp.
Năm 1960, hệ thống các Nông – Lâm trường được hình thành, phát triển và được chuyển sang Bộ Nông lâm quản lý. Cuối tháng 4 năm 1960, Hội đồng Bộ trưởng đã họp, thảo luận và ra Nghị quyết, đề nghị Quyết định tách Bộ Nông lâm thành 04 tổ chức gồm: Bộ Nông Nghiệp, Bộ Nông trường, Tổng cục Thủy sản, Tổng cục Lâm nghiệp. Ngày 28/4/1960, Tổng cục Lâm nghiệp được thành lập, là cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ. Thời kỳ 1963- 1964, Chính phủ đã Quyết định thành lập thêm 3 Cục quản lý chuyên ngành mới trực thuộc Tổng cục Lâm nghiệp, trong đó có Cục Bảo vệ Lâm nghiệp. Đến thời kỳ 1971- 1975, chuyển Cục Bảo vệ Lâm nghiệp thành Cục Kiểm lâm nhân dân (Cục Kiểm lâm ngày nay).
Trước ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước năm 1975, ngành Lâm nghiệp nước ta có ba cơ quan quản lý trực thuộc khác nhau đó là: Tổng cục Lâm nghiệp ở Hà Nội, là cơ quan trực thuộc Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Ban Lâm nghiệp Trung Trung Bộ ở thành phố Đà Nẵng, trực thộc Ủy ban nhân dân cách mạng Trung Trung Bộ; Tổng cục Lâm nghiệp miền Nam tại Sài Gòn, trực thuộc Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Sau giải phóng miền Nam, cùng với việc thành lập Chính phủ thống nhất năm 1976, nhu cầu hợp nhất các tổ chức quản lý lâm nghiệp để hình thành cơ quan cấp Trung ương đủ mạnh trở nên cấp thiết. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa IV, đã phê duyệt thành phần Hội đồng Chính phủ, trong Hội đồng Chính phủ có Bộ Lâm nghiệp. Toàn bộ cơ cấu tổ chức của Tổng cục Lâm nghiệp ở Hà Nội, Ban Lâm nghiệp Trung Trung Bộ và Tổng cục Lâm nghiệp miền Nam, đều đặt dưới sự quản lý thống nhất của Bộ Lâm nghiệp. Ông Hoàng Văn Kiều được cử làm Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp.
Từ ngày 03/10 – 28/10/1995, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa IX thông qua Nghị quyết về việc thành lập Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên cơ sở hợp nhất 3 Bộ: Bộ Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp Thực phẩm và Bộ Thủy lợi. Ngày 31/7/2007, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XII đã Quyết định hợp nhất Bộ Thủy sản vào Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Nhìn lại lịch sử quá trình hình thành và phát triển của ngành Lâm nghiệp Việt Nam với tiền thân là Bộ Canh nông (1945), năm 1955 đổi tên thành Bộ Nông lâm, sau đến là Bộ Lâm nghiệp (1976), tiếp đến hợp nhất với các Bộ để thành lập Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (1995), ngành Lâm nghiệp đã thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Chính phủ giao là khai thác gỗ và lâm sản ngoài gỗ, quản lý rừng, bảo vệ rừng, trồng rừng, phát triển rừng; quản lý, chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ nhu cầu của nền kinh tế quốc dân và xuất khẩu.
(Nguồn: https://vnuf.edu.vn/)