Theo anh Đinh Diễn – học viên Cao học ngành Lâm học K27 khoa Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông Lâm (ĐHNL), Đại học Huế (ĐHH), vào tháng 12/2022 trong quá trình điều tra thực địa thực hiện luận văn tốt nghiệp Thạc sĩ đã bắt gặp và thu mẫu một loài thực vật lạ có hình thù rất đẹp mọc ở vách đá ở đỉnh thác Bảy Nàng Tiên thuộc Tiểu khu 71, Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Phong Điền. Sau khi thu mẫu, đã phối hợp cùng các cộng sự từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Khu BTTN Phong Điền, Trường ĐHNL, Trường Đại học Y Dược, ĐHH và Đại học Lomonosov (Nga) đã mô tả và công bố loài thực vật mới thuộc chi Tỏi rừng (Aspidistra Ker Gawler).
Loài thực vật mới này được định danh là Tỏi đá (Aspidistra phongdiensis D.Dien, T.A.Le & Vislobokov), thuộc họ Măng tây (Asparagaceae) có hình thái tương tự như Tỏi đá khang (Aspidistra khangii) nhưng khác ở phiến lá rộng hơn, mặt ngoài bao hoa màu trắng, phấn hoa màu vàng, bao phấn và nhụy hoa khác biệt. Với cấu trúc bao hoa đặc biệt này, loài Tỏi đá mới được mô tả và đặt tên theo Khu BTTN Phong Điền, nơi duy nhất phát hiện sự hiện diện của loài này cho đến nay.
Kết quả nghiên cứu này đã được công bố trên Tạp chí chuyên ngành Phytotaxa 591 (1): 064–070,2023 (https://doi.org/10.11646/phytotaxa.591.1.6). Mẫu chuẩn được lưu ở Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (VNMN).
Trước đó, vào năm 2021 anh Đinh Diễn cùng tham gia thực hiện Nghiên cứu các loài thực vật có giá trị bảo tồn cao ở Khu BTTN Phong Điền thuộc Dự án BCC-GEF tỉnh Thừa Thiên Huế do TS. Trần Minh Đức, Khoa Lâm nghiệp, Trường ĐHNL làm trưởng nhóm tư vấn cũng đã bắt gặp một loài thực vật có hoa rất đẹp mọc ở quanh thác nước và bờ suối thuộc khu vực gần sông Rào Trăng, Khu BTTN Phong Điền. Sau khi thu mẫu đã phối hợp cùng các cộng sự từ Viện Nghiên cứu Khoa học Miền Trung, Khu BTTN Phong Điền, Trường ĐHNL và Viện Thực vật học Quảng Tây (Trung Quốc) đã mô tả và công bố loài thực vật mới có tên Mỹ nhụy răng cưa (Deinostigma serratum F.Wen, L.N.Tuan & D.Dien), thuộc họ Tai voi (Gesneriaceae) tại Khu BTTN Phong Điền.
Kết quả nghiên cứu này đã được công bố trên Tạp chí chuyên ngành Taiwania 67(1): 115-118, 2022 (DOI: 10.6165/tai.2022.67.115). Mẫu chuẩn được lưu ở Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (VNMN).
Mỹ nhụy răng cưa (Deinostigma W.T.Wang & Z.Y.Li) thuộc chi Mỹ nhụy (Deinostigma), đây là một chi đặc hữu của Việt Nam, với 8 loài đã được công nhận trước đó. Loài D. serratum F.Wen, L.N.Tuan & D.Dien được đặt tên theo đặc điểm viền thùy tràng hoa có răng cưa, khác biệt với tất cả các loài còn lại. Mỹ nhụy răng cưa là loài thứ 9 cho thế giới và củng cố thêm dẫn liệu cho tính đặc hữu chi này ở Việt Nam.
Ngoài ra, trong năm 2022 anh Đinh Diễn cùng các cộng sự từ Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế; Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam; Học viện Khoa học và Công nghệ; Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật; Vườn Bách thảo Singapore mô tả và công bố loài thực vật mới có tên Dị hùng sao la (Heterostemma saolaense Rodda & T.A.Le) thuộc họ Trúc đào (Apocynaceae) tại Khu bảo tồn Sao La, tỉnh Thừa Thiên Huế trên tạp chí chuyên ngành Taiwania 67(2): 235‒238, 2022 (DOI: 10.6165/tai.2022.67.235). Mẫu chuẩn được lưu ở Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (VNMN).
Như vậy, trong thời gian đang theo học chương trình đào tạo Thạc sĩ ngành Lâm học tại trường ĐHNL (2021 – 2023), anh Đinh Diễn đã công bố 3 loài thực vật mới cho khoa học điều đó chứng tỏ những nỗ lực, cố gắng phấn đấu và vươn lên trong quá trình nghiên cứu khoa học để đạt được những kết quả nghiên cứu như trên.
Được biết, vào năm 2022, học viên Đinh Diễn cũng đã nhận được học bổng dành cho Thạc sĩ của Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (Vingroup Innovation Foundation – VINIF) để thực hiện Luận văn cao học “Nghiên cứu sự đa dạng thành phần loài và thành phần hóa học của tinh dầu ở một số loài thuộc họ Na (Annonaceae) tại Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, tỉnh thừa thiên huế” do PGS.TS. Trần Nam Thắng – Khoa Lâm nghiệp, Trường ĐHNL, ĐHH hướng dẫn tốt nghiệp. Và kết quả nghiên cứu này cũng đã được chia sẽ tại Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học 2023 của trường ĐHNL.