“Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường” – Thạc sĩ Phan Trung Thông, cựu sinh viên khoa Lâm nghiệp

0
179

Nếu như không có mái Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế và đặc biệt là khoa Lâm nghiệp thì không có Phan Trung Thông như ngày hôm nay. Môi trường khoa lâm nghiệp là nơi không chỉ trang bị cho người học những kiến thức chuyên môn mà còn là nơi rèn luyện cho mỗi cá nhân để trưởng thành hơn – Phan Trung Thông chia sẻ.

Thời sinh viên của Phan Trung Thông gắn liền với công việc học tập, nghiên cứu khoa học và công tác Đoàn. Với vai trò là Bí thư chi đoàn và uỷ viên ban chấp hành Liên chi đoàn khoa Lâm nghiệp thì Phan Trung Thông đã hỗ trợ phong trào đoàn của lớp và Khoa trong rất nhiều hoạt động và luôn mang lại các điểm nhấn khi tham gia và tổ chức các phong trào.

Với Phan Trung Thông, “duyên” kinh doanh bắt đầu từ khá sớm khi đang là sinh viên năm thứ 2, ngành Quản lý tài nguyên rừng và môi trường, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế. Thời điểm ấy, phần để thỏa mãn sức trẻ, phần muốn có thêm chi phí, trang trải cho việc học, Thông cùng nhóm bạn thành lập “nhóm xe ôm dịch vụ giá rẻ”, xin làm cộng tác viên cho chi nhánh Viettel Huế, rồi ngược xuôi theo những chuyến xe khách Huế – Đông Hà – Lào – Thái Lan… để bán các mặt hàng nông sản.

Với khát khao khởi nghiệp, năm 2016, Phan Trung Thông cùng nhóm bạn góp vốn, thuê 10ha đất tại huyện Triệu Phong (Quảng Trị), thành lập Trang trại chăn nuôi tổng hợp Việt Yên. Tháng 10/2018 Hợp tác xã (HTX) Sinh thái Sông Son được thành lập, những sản phẩm miến dong đầu tiên ra đời mang theo hy vọng và niềm tin khởi nghiệp của vợ chồng Phan Trung Thông.

 Năm 2021, sản phẩm miến dong của HTX Sinh thái Sông Son vinh dự là 1 trong 5 sản phẩm của tỉnh Quảng Bình được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia. Cùng với đó, dự án “Miến sâm Bố Chính GaViNa” là đại diện duy nhất của tỉnh Quảng Bình đã vượt qua 739 hồ sơ tại vòng sơ khảo, 120 hồ sơ tại vòng bán kết và xuất sắc dành giải ba tại cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2021” do Trung ương Đoàn tổ chức.

Xây dựng thành công thương hiệu GaViNa, Phan Trung Thông mong muốn đưa các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam vươn xa trên thị trường.

Gắn kết nghiên cứu khoa học với sản xuất kinh doanh, với vai trò là chuyên gia Trung tâm kiểm nghiệm và chứng nhận TQC – Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (phụ trách khu vực Bắc Trung Bộ), Phan Trung Thông luôn tích cực tham gia vào quá trình chứng nhận hệ thống quản lý, gồm: chứng nhận ISO, GMP, hữu cơ, VietGAP, chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng, quản lý an toàn thực phẩm…

 Bên cạnh đó, từ năm 2018 đến nay, Thạc sỹ Phan Trung Thông đã được giao đảm nhận vai trò chủ nhiệm nhiều đề tài/dự án nghiên cứu khoa học ý nghĩa như: “Ứng dụng công nghệ sinh học để xử lý rác thải hữu cơ và phế phụ phẩm nông nghiệp thành giá thể sản xuất rau quả an toàn”, “Xây dựng chuỗi giá trị lạc Tân Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình”, “Xây dựng chuỗi giá trị lạc Axan, Tây Giang, Quảng Nam”, “Xây dụng mô hình trồng, nhân giống và sơ chế cây cỏ ngọt (Stevia rebaudiana Bertoni) tại xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị”, “Nghiên cứu xây dựng mô hình trồng lạc đen CNC1 thích ứng với điều kiện sinh thái của huyện Bố Trạch”.  Đặc biệt, với việc được lựa chọn là chủ nhiệm dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình trồng thâm canh giống cam mật Hiền Ninh và giống cam V2 theo tiêu chuẩn VietGAP tại tỉnh Quảng Bình”, Phan Trung Thông vinh dự là chủ nhiệm dự án nghiên cứu khoa học cấp Bộ ở khu vực Bắc Trung Bộ khi tuổi đời còn khá trẻ.

Phan Trung Thông chia sẻ về hành trình khởi nghiệp tại diễn đàn “Thanh niên Quảng Bình -Khát vọng tiên phong”.

Chia sẻ về những dự định trong thời gian tới, Phan Trung Thông chỉ cười khiêm tốn: “Là một người trẻ, không ngại xông pha, dấn thân, hiện tôi đang ấp ủ cho mình dự định về những sản phẩm mới được nghiên cứu, ra đời từ các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của Quảng Bình và xa hơn nữa là hoàn thiện các tiêu chí để sản phẩm thương hiệu GaViNa hoàn toàn có thể vươn ra thị trường các nước Nhật Bản, Lào, Thái Lan bằng đường chính ngạch, góp phần khẳng định vị thế nông sản Việt trên thị trường”.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here