Nhóm ngành Lâm học (Lâm nghiệp) và Quản lý tài nguyên rừng đang trở thành ngành học quan trọng

    0
    843

    Nhóm ngành “Lâm học (Lâm nghiệp)” và “Quản lý tài nguyên rừng” ra trường làm việc ở đâu? Tại sao nên học ngành này? 

    Vị trí việc làm của sinh viên nhóm ngành “Lâm học (Lâm nghiệp)” và “Quản lý tài nguyên rừng” sau khi tốt nghiệp?

    Câu hỏi học ngành “Lâm học (Lâm nghiệp)” và ngành “Quản lý tài nguyên rừng” ra trường làm gì và làm ở đâu? được nhiều bạn quan tâm và lựa chọn. Tùy theo sở trường và lĩnh vực mà bạn đam mê, sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể lựa chọn nhiều vị trí việc làm khác nhau như sau:

    • Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành (từ Trung ương đến địa phương): Tổng cục Lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm, Hạt kiểm lâm, Phòng Nông nghiệp, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh/huyện… với vai trò là cán bộ lãnh đạo đơn vị, chuyên viên hay cố vấn kỹ thuật về lâm nghiệp;
    • Các cơ quan sản xuất/quản lý Lâm nghiệp: Công ty Lâm nghiệp, Ban quản lý rừng phòng hộ, Ban quản lý rừng đặc dụng (Vườn Quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên) và Công ty sản xuất giống cây lâm nghiệp…;
    • Các cơ quan tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật: Trung tâm Điều tra Quy hoạch thiết kế nông lâm nghiệp cấp tỉnh; Trung tâm khuyến nông quốc gia; Trung tâm khuyến nông tỉnh; Trung tâm dịch vụ nông nghiệp; Viện/Phân Viện điều tra quy hoạch rừng…;
    • Các cơ quan đào tạo và nghiên cứu: Các Trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề; Viện Khoa học Lâm nghiệp/Nông nghiệp; Viện Điều tra quy hoạch rừng; Viện tài nguyên sinh vật…;
    • Công chức phường xã:Cán bộ lãnh đạo đơn vị, cán phụ trách lâm nghiệp xã/phường;
    • Các Chương trình, Dự án trong nước và quốc tế:Các dự án trồng phục hồi rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển sinh kế và phát triển nông thôn.
    • Các tổ chức Phi chính phủ Việt Nam và Quốc tế: Nhân viên của các tổ chức phi Chính phủ và doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn rừng, Dịch vụ chi trả môi trường (PFES), Dịch vụ chi trả chứng chỉ Carbon (C-PFES), Chứng chỉ rừng (FSC và PFSC), Trung tâm tư vấn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch lâm nghiệp, quy hoạch môi trường… như tổ chức WWF (Quỹ Quốc tế bảo tồn thiên nhiên), SNV (Cơ quan phát triển Hà Lan), IUCN (Liên minh bảo tồn thiên nhiên Quốc tế), ICRAF (Trung tâm nghiên cứu quốc tế trong lĩnh vực Nông Lâm kết hợp), ENV (Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên), tổ chức Quốc tế Birdlife… và tư vấn cho các chương trình, dự án về lĩnh vực Bảo tồn đa dạng sinh học, Quản lý rừng bền vững, phát triển rừng, PFES, C-PFES và Nông Lâm nghiệp và phát triển nông thôn.

    Tại sao nên học nhóm ngành này?

    Ngành “Lâm học (Lâm nghiệp)” và ngành “Quản lý tài nguyên rừng” là nhóm ngành sản xuất vật chất đặc biệt. Nếu bạn luôn quan tâm và muốn đóng góp sức mình để quản lý bảo vệ, khai thác, sử dụng và phát triển bền vững tài nguyên rừng và môi trường (rừng, đất rừng và động vật rừng…) nhưng còn băn khoăn về cơ hội việc làm thì đừng ngần ngại đăng ký theo học ngành “Lâm học (Lâm nghiệp)” và  ngành “Quản lý tài nguyên rừng”. Bởi nhóm ngành học này là một lựa chọn khá phù hợp với định hướng nghề nghiệp trong tương lai khi mà Chính phủ Việt Nam coi rừng là một nguồn tài nguyên sinh thái quan trọng, có giá trị cho sự phát triển kinh tế xã hội và hạnh phúc của người dân trên toàn đất nước. Hơn nữa, xã hội đang cần những sinh viên tốt nghiệp của nhóm ngành này để giúp các cơ quan Nhà nước, các tổ chức, cá nhân có liên quan đến các hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng và phát triển vững tài nguyên rừng nhằm chống những biến đổi về khí hậu, tạo môi trường sống trong trong lành cho nhân loại. Hiện tại có rất nhiều các tổ chức phi Chính phủ, các Doanh nghiệp, Nhà đầu tư mở rộng phát triển và khai thác những lợi ích từ ngành “Lâm học (Lâm nghiệp)” và ngành “Quản lý tài nguyên rừng”, bạn hoàn toàn có rất nhiều cơ hội tìm việc làm sau khi học xong ngành này với công việc ổn định có thu nhập cao.

    Sinh viên theo học ngành Lâm học (Lâm nghiệp) và ngành “Quản lý tài nguyên rừng” học gì?

    1. Ngành Lâm học (Lâm nghiệp) 

    Theo học ngành Lâm học (Lâm nghiệp) các bạn sẽ được cung cấp các kiến thức từ cơ bản đến nâng cao về sinh thái rừng, kỹ thuật lâm sinh, trồng rừng, điều tra, điều chế, bảo vệ, quản lý nguồn tài nguyên rừng. Các kỹ thuật nông lâm kết hợp; lâm nghiệp đô thị (quy hoạch thiết kế, phát triển hệ thống cây xanh…); lâm nghiệp xã hội, phát triển dự án lâm nghiệp, khuyến lâm, ứng dụng GIS (hệ thống thông tin địa lý) trong lâm nghiệp và quy hoạch… Ngoài ra, một phần không thể thiếu trong chương trình học là khối kiến thức về Luật, chính sách tài nguyên rừng và môi trường để đảm bảo sinh viên sau khi tốt nghiệp có đầy đủ hành trang phục vụ tốt cho mỗi vị trí công việc.

    Trong quá trình học tại trường, sinh viên được đào tạo và làm việc thêm tại các đơn vị sản xuất lâm nghiệp để vừa rèn luyện tay nghề đồng thời kiếm thêm thu nhập cho bản thân một cách thường xuyên. Sinh viên được tham gia nghiên cứu khoa học để định hướng khởi nghiệp cho bản thân sau khi ra trường. Bên cạnh đó, hàng năm trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế có tuyển chọn từ 5 – 10 sinh viên đi thực tập và học tập nâng cao và hưởng lương một năm ở một số nước phát triển như Nhật Bản, Isarel…

    Sinh viên Khoa Lâm nghiệp thực tập tại cơ sở và giao lưu văn hóa

    1. Ngành “Quản lý tài nguyên rừng”

    Theo học ngành “Quản lý tài nguyên rừng”, các bạn sẽ được cung cấp các kiến thức từ cơ bản đến nâng cao về xã hội, đặc điểm sinh vật học, phân loại và nhận biết các loài thực vật, động vật, ứng dụng thiết bị bay không người lái và tư liệu ảnh viễn thám phục vụ công tác quản lý tài nguyên rừng và môi trường, cách thức tổ chức quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên rừng và môi trường. Ngoài ra, một phần không thể thiếu trong chương trình học là khối kiến thức về Luật, chính sách tài nguyên rừng và môi trường để đảm bảo sinh viên sau khi tốt nghiệp có đầy đủ hành trang phục vụ tốt cho mỗi vị trí công việc. Đồng thời, trong thời gian học, hàng năm trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế có tuyển chọn từ 5 – 10 sinh viên đi thực tập và học tập nâng cao một năm ở một số nước phát triển như Nhật Bản, Isarel…

    Sinh viên Khoa Lâm nghiệp thực tập sinh tại Isarel

    Với mục tiêu “Tất cả vì quyền lợi học tập, nghiên cứu và việc làm của  sinh viên sau tốt nghiệp phải đáp ứng yêu cầu của các đơn vị tuyển dụng, nhu cầu khu vực và Quốc tế”. Nhóm ngànhLâm học (Lâm nghiệp)” và  “Quản lý tài nguyên rừng” là nhóm ngành nghề có truyền thống lâu đời, đang được Nhà nước  quan tâm đầu tư và phát triển. Nhóm ngành Lâm học (Lâm nghiệp)” và  “Quản lý tài nguyên rừng” của Khoa Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế, luôn định hướng đào tạo gắn liền với thực tiễn, không ngừng đầu tư về cơ sở vật chất, xây dựng đội ngũ giảng viên giỏi. Với kinh nghiệm gần 35 năm đào tạo và phát triển, với đội ngũ giảng dạy có kinh nghiệm, có trình độ học vị và học hàm cao phục vụ việc đào tạo và cung cấp cho xã hội những kỹ sư Lâm nghiệp lành nghề.  Chúng tôi luôn tự hào là đơn vị đi đầu trong lĩnh vực đào tạo ngành Lâm học (Lâm nghiệp)” và ngành “Quản lý tài nguyên rừng” ở khu vực miền Trung Việt Nam.

    KHOA LÂM NGHIỆP, TRƯỜNG ĐẠI HỌC NÔNG LÂM, ĐẠI HỌC HUẾ

    TUYỂN SINH NĂM 2021

     

    BÌNH LUẬN

    Please enter your comment!
    Please enter your name here