Ngành Quản lý tài nguyên rừng là một phần quan trọng của Lâm nghiệp, của nền kinh tế và sẽ tiếp tục tồn tại lâu dài trong tương lai. Nếu bạn luôn quan tâm và muốn đóng góp sức mình để quản lý bảo vệ, khai thác, sử dụng và phát triển bền vững tài nguyên rừng và môi trường (rừng, đất rừng và động vật rừng…) nhưng còn băn khoăn về cơ hội việc làm thì đừng ngần ngại đăng ký theo học ngành “Quản lý tài nguyên rừng”. Bởi ngành học này là một lựa chọn khá phù hợp với định hướng nghề nghiệp trong tương lai khi mà Chính phủ Việt Nam coi rừng là một nguồn tài nguyên sinh thái quan trọng, có giá trị cho sự phát triển kinh tế xã hội và hạnh phúc của người dân trên toàn đất nước. Hơn nữa, xã hội đang cần những sinh viên tốt nghiệp ngành này để giúp các cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan đến các hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng và phát triển bền vững tài nguyên rừng nhằm chống lại những biến đổi về khí hậu, tạo môi trường sống trong lành cho nhân loại. Đồng thời, càng ngày ngành “Quản lý tài nguyên rừng” càng đỏi hỏi rất nhiều số lượng sinh viên tốt nghiệp thay thế cho lực lượng Kiểm lâm nghỉ hưu nhanh chóng. Hiện tại có rất nhiều các tổ chức phi Chính phủ, các Doanh nghiệp, Nhà đầu tư mở rộng phát triển và khai thác những lợi ích từ ngành “Quản lý tài nguyên rừng”, bạn hoàn toàn có rất nhiều cơ hội tìm việc làm sau khi học xong ngành này với công việc ổn định có thu nhập cao, đây là một lợi thế khi bạn chọn theo học ngành này.
I. THÔNG TIN CHUNG
– Tên chương trình đào tạo: Quản lý tài nguyên rừng (Forest resources management)
– Trình độ đào tạo: Đại học
– Mã ngành đào tạo: 7620211
– Đối tượng tuyển sinh: Theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo
– Thời gian đào tạo: 4,0 – 4,5 năm
– Loại hình đào tạo: Chính quy
– Khối lượng kiến thức toàn khóa: 158 tín chỉ
– Văn bằng tốt nghiệp: Kỹ sư
Xem thêm thông tin tuyển sinh năm 2024 tại đây
II. CÁC KHỐI KIẾN THỨC/ MÔN HỌC
Sinh viên theo học ngành Quản lý tài nguyên rừng sẽ được học và trang bị các khối kiến thức về:
- Kiến thức cơ sở ngành về sinh thái rừng, động thực vật rừng, hệ thống thông tin địa lý trong Lâm nghiệp (GIS), Biến đổi khí hậu và REDD+…
- Kiến thức chuyên ngành về Bảo tồn đa dạng sinh học, pháp luật và chính sách Lâm nghiệp, Tổ chức quản lý các loại rừng, Quản lý rừng bền vững…
- Kiến thức bổ trợ phát triển kỹ năng, xây dựng và quản lý dự án lâm nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…
III. MỤC TIÊU ĐÀO TẠO
1. Kiến thức
Sinh viên ra trường hiểu và áp dụng được kiến thức cơ bản và chuyên môn về hệ sinh thái rừng, tính đa dạng sinh học rừng, sự cần thiết bảo tồn tài nguyên rừng, kỹ thuật lâm sinh và công nghệ thông tin trong nghiên cứu, theo dõi, giám sát, đánh giá tài nguyên rừng. Cùng với kiến thức về kinh tế – xã hội – môi trường và pháp luật có liên quan để xây dựng phương án quy hoạch, quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên rừng.
2. Kỹ năng
Sinh viên Quản lý tài nguyên rừng vận dụng được các kỹ năng tổ chức và thực hiện các chương trình điều tra, phân tích đánh giá, quy hoạch và tổ chức thực hiện phương án quản lý rừng bền vững.
3. Năng lực tự chủ và trách nhiệm
Sinh viên Quản lý tài nguyên rừng thực hiện làm việc và học tập một cách tự chủ, tự học và tự nghiên cứu. Hiểu biết và hành xử đúng đắn các tiêu chuẩn về đạo đức cá nhân và nghề nghiệp. Thực hiện tốt tinh thần đoàn kết, chia sẻ với các bên có liên quan trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng, phát triển kinh tế xã hội vùng rừng với cộng đồng các dân tộc khác nhau.
IV. CHUẨN ĐẦU CỦA CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO BẬC ĐẠI HỌC NGÀNH LÂM NGHIỆP
1. Kiến thức
– Vận dụng được kiến thức cơ bản về khoa học chính trị, pháp luật; giáo dục thể chất (chứng chỉ); quốc phòng – an ninh (chứng chỉ); công nghệ thông tin (chứng chỉ Ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản) vào công việc thực tiễn của một kỹ sư ngành Quản lý tài nguyên rừng.
– Vận dụng kiến thức về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và môi trường làm nền tảng công cụ để giải quyết các vấn đề trong công việc thực tiễn của một kỹ sư Quản lý tài nguyên rừng một cách khoa học và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của thời đại công nghiệp 4.0.
– Hiểu và áp dụng được các kiến thức khoa học tự nhiên, khoa học sự sống, xã hội nhân văn, nhà nước, pháp luật và công nghệ thông tin cơ bản làm nền tảng lý luận và thực tiễn cho ngành Lâm nghiệp và phát triển nông thôn miền núi.
– Hiểu và áp dụng được các kiến thức về thành phần, nguyên lý, cơ chế, cấu trúc, hệ thống, động thái, quy luật phổ biến của tài nguyên – môi trường rừng và tài nguyên đa dạng sinh học.
– Phân tích và áp dụng kiến thức điều tra, phân tích, đánh giá hiện trạng tài nguyên rừng, quy hoạch, thiết kế và đề xuất các giải pháp khả thi trong bảo vệ và phát triển rừng.
– Phân tích và vận dụng được kiến thức Luật lâm nghiệp và cơ sở kỹ thuật lâm nghiệp vào thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng.
– Hiểu và áp dụng được các kiến thức hỗ trợ về tiếp cận cộng đồng, khuyến lâm, chuyển giao công nghệ và nghiên cứu khoa học trong quản lý tài nguyên rừng.
2. Kỹ năng
– Kỹ năng xác định, lựa chọn các giải pháp giải quyết và cải thiện các vấn đề liên quan đến công việc thực tiễn ngành Quản lý tài nguyên rừng một cách phù hợp.
– Xây dựng đề cương, thực hiện nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong các lĩnh chuyên môn; phân tích dữ liệu, diễn giải và truyền đạt các kết quả thực hiện, đánh giá chất lượng và hiệu quả công việc.
– Kỹ năng tạo ra ý tưởng, phát triển khởi nghiệp như một chủ doanh nghiệp, tạo việc làm cho mình và cho người khác trong môi trường nghề nghiệp luôn thay đổi.
– Có năng lực bậc 3/6 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam (Chứng chỉ B1 tiếng Anh hoặc tương đương).
– Phân loại được các loại rừng, đất rừng, thực vật rừng, động vật rừng, côn trùng rừng, vi sinh vật rừng có ích, sinh vật hại rừng, các loại lâm sản, đặc sản rừng, các giá trị, các nhân tố ảnh hưởng và các mối đe dọa đến tài nguyên và môi trường rừng.
– Sử dụng thành thạo các phương pháp tiếp cận cộng đồng, đặc biệt là GIS, Viễn thám, các công cụ hỗ trợ và một số phần mềm chuyên dụng trong theo dõi, giám sát diễn biến tài nguyên rừng.
– Sử dụng thành thạo các bộ công cụ chuyên môn trong phân tích, đánh giá kết quả trong thực nghiệm khoa học, điều tra chuyên ngành, đánh giá giá tác động môi trường, quản lý rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học và xử lý vi phạm pháp luật lâm nghiệp.
3. Năng lực tự chủ và trách nhiệm
– Thực hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội của một công dân trong thể chế đang sống và làm việc với bối cảnh toàn cầu hoá.
– Thực hiện làm việc, học tập một cách độc lập hoặc theo nhóm, hướng dẫn và giám sát người khác thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả trong bối cảnh thay đổi thường xuyên của công việc.
– Thực hành được các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của một kỹ sư ngành Quản lý tài nguyên rừng.
– Tổ chức và thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến quản lý tài nguyên rừng, đề xuất được những sáng kiến, cải tiến trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tự học tập, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm từ thực tiễn và tài liệu chuyên môn.
– Đánh giá và phản biện được các hoạt động hay vấn đề liên quan đến quản lý bảo vệ tài nguyên rừng.
V. VỊ TRÍ VÀ CƠ HỘI VIỆC LÀM
– Cán bộ Kiểm lâm và Cảnh sát môi trường tại các đơn vị ở khu vực miền Trung và trong cả nước.
– Cán bộ tại các cơ quan quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ như các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh, Khu dự trữ sinh quyển, Ban quản lý rừng phòng hộ và các Công ty lâm nghiệp.
– Cán bộ tại các cơ quan nhà nước về quản lý tài nguyên rừng và môi trường các cấp như sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chi cục kiểm lâm tỉnh, Hạt kiểm lâm huyện và kiểm lâm xã, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng, Viện/ Phân viện Điều tra và Quy hoạch rừng, Trung tâm và trạm khuyến nông, Phòng Nông nghiệp, Công an môi trường, Cục Kiểm lâm, Tổng cục Lâm nghiệp, Vụ Khoa học và công nghệ, Cục bảo tồn đa đạng sinh học và các Sở và Bộ khác có liên quan.
– Cán bộ giảng dạy và nghiên cứu tại các trường đại học, cao đẳng, viện, trung tâm nghiên cứu có giảng dạy và nghiên cứu về lâm nghiệp và phát triển nông thôn.
– Nhân viên của các tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn rừng, khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên như tổ chức WWF (Quỹ quốc tế bảo tồn thiên nhiên), SNV (Cơ quan phát triển Hà Lan), IUCN (Liên minh bảo tồn thiên nhiên Quốc tế), ICRAF (Trung tâm nghiên cứu quốc tế trong lĩnh vực Nông lâm kết hợp), ENV (Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên), tổ chức Quốc tế Birdlife…
– Thực tập sinh tại các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel và các nước khác.
THÔNG TIN LIÊN HỆ TƯ VẤN TUYỂN SINH
- Hotline: 0888.011.101; 0234.3514294; 0938718172
- Email: tuyensinh@huaf.edu.vn
- Website: huaf.edu.vn; ln.huaf.edu.vn; huaf.edu.vn
- Zalo: Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế