Cơ hội việc làm dành cho sinh viên ngành Quản lý tài nguyên rừng

0
536

1. GIỚI THIỆU CHUNG

Ngành Quản lý Tài nguyên rừng là 1 trong 4 ngành trực thuộc Khoa Lâm nghiệp, trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế. Ngành được thành lập năm 2002, thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học về lĩnh vực Quản lý Tài nguyên và Môi trường rừng. Ngành bắt đầu tuyển sinh khóa đầu tiên vào năm 2003 (khóa 37). Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Huế là đơn vị thứ 2 trong cả nước mở ngành đào này ở bậc đại học.

Việc thành lập ngành Quản lý Tài nguyên rừng nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng trong bối cảnh tài nguyên rừng Việt Nam bị suy thoái do chịu nhiều tác động tiêu cực từ hoạt động kinh tế, sinh kế và phát triển kém bền vững. Nhiệm vụ này ngày càng được coi trọng trong giai đoạn hiện nay khi môi trường đang bị suy thoái ở quy mô quốc gia và biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu.

2. QUÁ TRÌNH VÀ KẾT QUẢ ĐÀO TẠO

Từ khi bắt đầu mở ngành QLTNR (năm 2003) đến nay trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế đã tuyển sinh hàng năm ổn định và tổ chức đào tạo được 14 khóa với  28 lớp, trong đó: Hệ chính quy: 23 lớp, hệ Vừa làm vừa học: 5 lớp (tại Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam và Bình Định). Có 11 khóa với 21 lớp đã ra trường. Đặc biệt là đã tổ chức tuyển sinh và đào tạo được 2 khóa chính quy tại An Giang, góp phần bổ sung nguồn nhân lực cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
image002

Sinh viên đi thực tập tại rừng Trà sư (An Giang)
Trong quá trình học tập, sinh viên ngành QLTNR được khuyến khích và tạo điều kiện tham gia NCKH-CN. Nhiều nhóm sinh viên đã thực hiện các đề tài có tính khoa học và ứng dụng được đánh giá cao. Trong đó có 06 nhóm đoạt các giải cao (03 giải Khuyến khích và 02 giải Nhì cấp Bộ, 01 giải Ba VIFOTEX) về các chủ đề: Lâm sản ngoài gỗ/Dược liệu, Côn trùng rừng, Quản lý lửa rừng…
image004

Nhóm nghiên cứu nhận giải thưởng Ngày sáng tạo Việt Nam
Ngoài ra, sinh viên ngành QLTNR còn là nhân tố tích cực đi đầu trong các hoạt động văn nghệ, thể thao, tham gia câu lạc bộ trẻ và hoạt động xã hội trong trường học. Nhiều em là hạt nhân trong các phong trào chung của Khoa, Trường và Đại học Huế. Nhiều em được chọn tham gia các đoàn trao đổi sinh viên theo chường trình hợp tác quốc tế với nhiều trường đại học trên thế giới.
image006

Chương trình trao đổi sinh viên giữa Đại học Kyoto, Nhật Bản và Đại học Nông lâm Huế (2015)
Kết quả khảo sát gần đây cho thấy có trên 90% sinh viên ra trường có việc làm ổn định và phù hợp với chuyên môn đào tạo. Nhiều cựu sinh viên hiện là cán bộ chuyên môn giỏi hoặc là cán bộ lãnh đạo trong cơ quan nhà nước và doanh nghiệp.
image008

Sinh viên trong ngày lễ tốt nghiệp ra trường

3. HÀNH TRANG VÀ NHỮNG TRẢI NGHIỆM CỦA SINH VIÊN KHI THAM GIA NGÀNH QLTNR

Ngành QLTNR hướng tới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở bậc đại học và sau đại học. Người học được trang bị kiến thức và kỹ năng toàn diện, hình thành thái độ và năng lực thích hợp để hội nhập và lập nghiệp.
Những đức tính sẵn có được tôi luyện hoặc mới hun đúc trong quá trình tham gia chương trình đào tạo sẽ là hành trang vô giá để người học khởi nghiệp khi ra trường, như các đức tính và khả năng:
  • Bản lĩnh, trung thực, trách nhiệm
  • Dũng cảm, mạnh mẽ, kiên định
  • Năng động, linh hoạt, sáng tạo
  • Ham hiểu biết, thích khám phá
  • Thích ứng cao, hòa nhập tốt
Kèm theo đó là “kho kiến thức” và “túi kỹ năng” dồi dào và không ngừng được tích lũy theo bước chân người học (có thể tham khảo thêm ở phần Chuẩn đầu ra của ngành QLTNR).

Một điều hấp dẫn người học tham gia ngành QLTNR là cơ hội được trải nghiệm thực tế. Với thời lượng 10 tuần học tập bên ngoài giảng đường và phòng thí nghiệm cùng với hơn 4 tháng thực tập tốt nghiệp là khoảng thời gian không dễ gì có để người học đến được nhiều nơi, tiếp xúc được với nhiều môi trường tự nhiên và xã hội trong dải đất miền Trung nhiều nắng gió, mưa lũ nhưng cũng chứa đựng không ít điều bí ẩn và lôi cuốn, thỏa sức khám phá những điều mới lạ.

Chương trình đào tạo coi trọng kiến thức quản trị và pháp luật còn giúp người học biết rõ điều gì được phép hay không được phép làm, lựa chọn nên hay không nên làm gì và làm thế nào trong hoạt động chuyên môn để có hiệu quả cao hơn, an toàn và bền vững hơn.

Từ những hiểu biết gắn với hành động thiết thực người học sẽ góp phần bảo tồn và phát huy được các giá trị vật thể và phi vật thể của địa phương, đất nước và nhân loại. Cũng tương tự như vậy là chung tay ngăn ngừa hoặc giảm thiểu những sự cố, thảm họa đang và sẽ xảy ra, giúp cho môi trường sống thêm trong lành, bình yên – điều giản dị mà mọi người chân chính luôn mong đợi.
Cuộc sống, học tập và tác nghiệp giữa thiên nhiên và môi trường thực tế còn giúp cho người học có tinh thần thoáng đãng hơn, sống lạc quan và nhân hậu hơn, biết vì lợi ích chung và lợi ích lâu dài. Từ đó tình yêu của họ dành cho ai, cho cái gì cũng sâu đậm và bền chặt hơn.

4. CƠ HỘI VIỆC LÀM CỦA SINH VIÊN SAU KHI TỐT NGHIỆP

Sinh viên ngành Quản lý tài nguyên rừng sau khi tốt nghiệp (Kỹ sư) có cơ hội làm việc tại nhiều lĩnh vực và tổ chức khác nhau:

  • Các cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường rừng, như Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các cấp; Kiểm lâm các cấp; Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng.
  • Các Ban Quản lý rừng đặc dụng: Vườn Quốc gia, Khu Bảo tồn thiên nhiên.
  • Các Ban Quản lý rừng phòng hộ: Rừng phòng hộ đầu nguồn, Rừng phòng hộ ven biển, Rừng phòng hộ cảnh quan và bảo vệ môi trường…
  • Các doanh nghiệp nông – lâm nghiệp, du lịch sinh thái, dịch vụ môi trường rừng…
  • Các Viện và Trung tâm tâm nghiên cứu về Tài nguyên rừng và môi trường, Điều tra – quy hoạch rừng, Bảo vệ thực vật…;
  • Các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và các trường dạy nghề đào tạo lâm nghiệp.
  • Các cơ quan Tài nguyên – Môi trường, Cây xanh đô thị, Khuyến nông – khuyến lâm.
  • Các ban quản lý dự án, các tổ phi chính phủ trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp, bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ môi trường.
  • Tự khởi nghiệp để làm chủ công việc và giúp người khác có việc làm.
5. THÔNG TIN VỀ CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
5.1. Mục tiêu đào tạo
5.1.1. Mục tiêu chung

Đào tạo kỹ sư thuộc lĩnh vực quản lý tài nguyên rừng có phẩm chất chính trị, có đạo đức nghề nghiệp, có sức khoẻ tốt, có kiến thức cơ bản, kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực tiễn vững vàng.
 5.1.2. Mục tiêu cụ thể
Về phẩm chất đạo đức: Có phẩm chất của người tri thức xã hội chủ nghĩa, có đạo đức và tác phong nghề nghiệp đúng mực.
Về kiến thức chuyên môn: Nắm vững các nguyên lý cơ bản về quản lý tài nguyên và môi trường rừng.
Về kỹ năng: Sinh viên tốt nghiệp ngành Quản lý tài nguyên rừng có thể thực hiện được:
– Thiết kế, tổ chức và thực hiện được các chương trình điều tra, đánh giá tài nguyên rừng và chức năng dịch vụ môi trường rừng.
– Đề xuất, xây dựng và tổ chức thực hiện được các phương án quản lý tài nguyên và môi trường rừng, quản lý lưu vực, quản lý lâm phận.
– Có khả năng tổ chức và vận động quần chúng tham gia thực hiện các phương án quản lý bảo vệ tài nguyên rừng và môi trường.
5.2. Chuẩn đầu ra ngành QLTNR
Sau khi tốt nghiệp ngoài kiến thức chung toàn Đại học Huế, kiến thức lĩnh vực và khối ngành, sinh viên ngành QLTNR có những  năng lực chuyên môn sau:
 5.2.1. Về kiến thức chuyên ngành
– Nắm vững kiến thức về thành phần, nguyên lý, cơ chế, cấu trúc, hệ thống, động thái, quy luật phổ biến của tài nguyên – môi trường rừng và tài nguyên đa dạng sinh học;
– Nắm vững kiến thức về công nghệ và pháp luật trong lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường rừng;
– Nắm vững và áp dụng kiến thức điều tra, phân tích, đánh giá hiện trạng tài nguyên rừng, quy hoạch, thiết kế và đề xuất các giải pháp khả thi trong bảo vệ và phát triển rừng;
– Nắm vững và áp dụng kiến thức về phát triển tài nguyên rừng bền vững trên 3 phương diện: kinh tế, xã hội và môi trường;
– Nắm vững và áp dụng kiến thức về quản lý bảo vệ, khai thác, sử dụng tổng hợp tài nguyên và môi trường rừng phù hợp trên 3 phương diện: pháp lý, lý luận và thực tiễn.
– Nắm vững cơ cấu tổ chức ngành lâm nghiệp và những nguyên tắc cơ bản trong quản lý nhà nước, quản lý hành chính lâm nghiệp và quản trị rừng.
– Có kiến thức hỗ trợ trong tiếp cận cộng đồng, khuyến lâm và chuyển giao công nghệ;
– Có kiến thức hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Nông, Lâm nghiệp nói chung và QLTNR nói riêng.
 5.2.2. Về kỹ năng nghề nghiệp
– Nhận biết được các nguồn tài nguyên, các giá trị, các nhân tố ảnh hưởng và các mối đe dọa đến tài nguyên và môi trường rừng;
– Phân loại được các loại rừng, đất rừng, thực vật rừng, động vật rừng, côn trùng rừng, vi sinh vật rừng có ích, sinh vật hại rừng và các loại lâm sản, đặc sản rừng;
– Nắm vững kỹ năng nhận biết địa hình, sử dụng bản đồ và thiết bị định vị không gian trong hoạt động hiện trường, định lượng và số hóa thông tin, dữ liệu điều tra tài nguyên rừng;
– Thành thạo trong bố trí thí nghiệm, điều tra, giám sát diễn biến tài nguyên rừng;
– Thực hiện tốt quy trình điều tra, chẩn đoán, dự tính dự báo và xây dựng phương án bảo vệ rừng, phòng chống sâu bệnh hại rừng, phòng chống cháy rừng và xử lý vi phạm pháp luật lâm nghiệp;
– Xây dựng, thực hiện tốt các công trình lâm sinh, dự án lâm nghiệp nói chung và quản lí bảo tồn tài nguyên rừng môi trường nói riêng;
– Phát hiện, lựa chọn, xây dựng và thực hiện có kết quả các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ và đề xuất các giải pháp quản lý bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên rừng;
– Biết lựa chọn tiêu chí, công cụ đánh giá và lựa chọn các ưu tiên trong hoạt động bảo tồn, các lợi thế so sánh trong phát triển tài nguyên rừng;
– Thành thạo trong giám định mẫu vật, tra cứu tài liệu và sử dụng các bộ công cụ chuyên môn trong phân tích, đánh giá kết quả trong thực nghiệm khoa học, điều tra chuyên ngành, đánh giá giá tác động môi trường, quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học;
– Vận dụng đúng kiến thức pháp luật và chính sách lâm nghiệp vào thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng; phân tích chính sách và đề xuất hoàn thiện hệ thống chính sách trong quản lý tài nguyên rừng.
– Kỹ năng làm việc theo nhóm: hình thành nhóm, tổ chức, duy trì hoạt động và phát triển nhóm; chia sẻ, hợp tác trong công việc và thông tin với các nhóm khác có liên quan;
– Kỹ năng quản lý và lãnh đạo: lập kế hoạch, điều hành, phân công và đánh giá hoạt động nhóm và tập thể, phát triển và duy trì quan hệ với các đối tác; khả năng đàm phán, thuyết phục và quyết định trên nền tảng có trách nhiệm với xã hội và tuân theo luật pháp; phát huy trí tuệ tập thể; công bằng, minh bạch, gương mẫu và phát huy dân chủ trong tập thể;

6. ĐỘI NGŨ HỖ TRỢ CÔNG TÁC GIẢNG DẠY VÀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

Số lượng cán bộ giáo viên, nghiên cứu viên hiện tại của khoa Lâm nghiệp gồm có 42 thành viên, bao gồm 3 Phó Giáo sư, 9 Tiến sĩ, 2 Nghiên cứu sinh, 24 Thạc sĩ, 3 Nghiên cứu viên, 1 trợ lý giáo vụ thuộc các chuyên ngành Lâm học, Điều tra quy hoạch rừng, Bảo vệ rừng, Bảo tồn đa dạng sinh học, Quản lý tài nguyên thiên nhiên, Xã hội học, Hệ thống canh tác, Nông học…
Đội ngũ giáo viên được đào tạo từ nhiều nước tiên tiến trên thế giới, có quan hệ hợp tác với nhiều trường đại học và viện nghiên cứu, tham gia nhiều dự án và chương trình nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tại nhiều địa phương. Do vậy, chương trình và năng lực đào tạo hoàn toàn có thể được đáp ứng về chất lượng.

Bộ môn Quản lý Tài nguyên rừng và Môi trường là đơn vị quản lý chuyên môn ngành đào tạo QLTNR. Bộ môn có đội ngũ cán bộ cơ hữu và kiêm nhiệm trình độ cao: gồm 8 giảng viên có trình độ sau đại học, trong đó có 2 tiến sĩ. Nhiều giảng viên của Bộ môn hiện nay hay nguyên là cán bộ lãnh đạo hay cán bộ chuyên môn có năng lực trong Khoa, Trương và Đại học Huế.
Ngoài hoạt động giảng dạy luôn được đánh giá cao, Bộ môn đã và đang thực hiện 09 đề tài cấp Bộ (Bộ GD-ĐT và Bộ NN-PTNT), tham gia nhiều đề tài cấp Bộ và cấp Nhà nước khác. Đã thực hiện 01 đề tài cấp Đại học Huế, trên 20 đề tài cấp trường và đề tài liên kết với các địa phương, tổ chức khác. Xây dựng, thực hiện và tham gia nhiều đề án/dự án nghiên cứu và phát triển, tổ chức nhiều hội thảo và tập huấn chuyên môn cho nhiều địa phương ở Miền Trung và Tây Nguyên.

Trong vòng 10 năm qua, Bộ môn đã chủ trì xuất bản 14 đầu sách phục vụ đào tạo và chuyển giao công nghệ tại Nhà xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội và phối hợp xuất bản 09 đầu sách khác trong và ngoài nước. Trong 5 năm gần đây, tập thể và cá nhân trong Bộ môn là tác giả và đồng tác giả trên 50 bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước. Có sản phẩm KHCN tham gia Hội chợ và Triển lãm tại Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế và khu vực Đông Nam bộ và Tây Nguyên.

Các nhóm nghiên cứu trong Bộ môn được vinh dự nhận nhiều giải thưởng về KHCN:

  • 03 đề án thắng giải cấp quốc gia:
    • Giải Ngày Sáng tạo Việt Nam (VID) năm 2010 về Biến đổi khí hậu
    • Giải Ngày Sáng tạo Việt Nam (VID) năm 2011 về Dược liệu
  • 01 giải 3 cán bộ trẻ NCKH về cây Nhân trần lai hữu tính (F1) năm 2013.

7. THÔNG TIN TUYỂN SINH NĂM 2017

Tên chương trình đào tạo: Quản lý Tài nguyên rừng
Tên tiếng Anh: Forest Resources Management
Mã ngành:
Loại hình đào tạo: Chính quy, tập trung
Cấp bằng tốt nghiệp: Kỹ sư Quản lý tài nguyên rừng
Thời gian đào tạo: 4 năm (128 tín chỉ)
Chỉ tiêu tuyển sinh: 100 chỉ tiêu/năm
Môn thi: + Khối A: Toán, Vật lý, Hóa học
+ Khối B: Toán, Hóa học, Sinh học
Một số thông tin khác:

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here